TÂM LINH
Chủ Đề: Linh Đạo Là Gì?
Giảng Thuyết:
Lm. Giuse Nguyễn Việt Hưng - ICM
Đề tài 1
ĐẠI CƯƠNG VỀ LINH ĐẠO
1. Linh đạo là gì?
Có nhiều cách định nghĩa linh đạo. Linh đạo, theo nghĩa đơn sơ nhất, là con đường nên thánh. Linh đạo theo nghĩa rộng hơn đồng nghĩa với sống Kitô hữu.
- Giáo sư Thần học Michael Downey nói: Linh đạo không phải chỉ là một khía cạnh của đời sồng, nhưng là cả đời sống Kitô hữu để đáp lại ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần.
- Theo George A. Lane, SJ, trong tác phẩm Christian Spirituality, Linh đạo là việc con người được Thiên Chúa chiếm hữu trong Chúa Kitô và qua Chúa Thánh Thần.
- Linh đạo là cố gắng của ta cộng tác với ân sủng để trở nên điều mà Thiên Chúa muốn khi dựng nên ta; hiểu rõ ta là ai, biết ta phải trở nên cái gì. (In His Spirit, A Guide to Today's Sprirituality, by Richard J. Hauser, SJ).
- Còn Gerard Broccolo, trong tác phẩm Vital Spiritualities, viết: Linh đạo... là cách nhìn và cảm nghiệm về Thiên Chúa, về chính mình và thế giới.
- Ngày nay người ta nhấn mạnh là ta không thể tách rời linh đạo ra khỏi không gian và thời gian ta đang sống. Dyckman và Carroll, trong tác phẩm Inviting the Mystic, Supporting the Prophet, đã viết: Linh đạo là cách con người đáp lại Chúa Kitô khi đứng trước những thách đố của đời sống hằng ngày, trong khung cảnh lịch sử và môi trường văn hóa nhất định.
Mỗi nơi và mỗi thời đại đặt ra cho con người những thách đố khác nhau, và vì thế, con người cũng cần đáp ứng lại cách khác nhau. Nhìn vào lịch sử Giáo Hội, ta nhận thấy có những người đã đáp lại những thách đố này cách rất đặc biệt, chẳng hạn, Basiliô, Athanasiô, Augustinô, Biển Đức, Đaminh, Phanxicô, Inhaxiô...Cái nhìn của các ngài về liên hệ giữa Thiên Chúa và thế giới có sức thu hút mãnh liệt đến nỗi nhiều Kitô hữu muốn bắt chước cách sống của các ngài.
2. Linh đạo là cái nhìn của ta về đời sống
Mỗi người có cái nhìn khác nhau về những vấn đề của đời sống. Chẳng hạn, có người nhìn hôn nhân cách lạc quan như lên xe hoa, có người nhìn rất bi quan như cá chậu chim lồng. Linh đạo là cái nhìn căn bản của ta về đời sống. Thánh Phaolô khuyên ta: Anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu (Pl 2:5). Nói khác, linh đạo là cố gắng nhận thức thực tại càng ngày càng phù hợp hơn với tâm tình của Đức Kitô. Như vậy, toàn thể thực tại chứ không phải chỉ khía cạnh đạo đức của đời sống. Linh đạo của ta ảnh đến cách ta nhìn mọi việc - từ bản thân đến tha nhân, từ Thiên Chúa đến thị trường chứng khóan, từ tình yêu, con người đến loài vật.
3. Tầm quan trọng của linh đạo
Nhưng linh đạo không phải chỉ là nhận thức thực tại, nhưng còn bao gồm việc ta đáp lại, nghĩa là cách ta hành động và xử thế khi đứng trước thực tại đó. Linh đạo thể hiện trong những quyết định nhỏ bé hằng ngày của ta như ăn sáng, gặp gỡ, nói chuyện. Linh đạo cũng thể hiện trong những quyết định quan trọng như hôn nhân, đi tu, mua nhà, chọn nghề nghiệp... Khi ta có quyền lựa chọn, linh đạo ảnh hưởng đến quyết định của ta. Khi không được lựa chọn, linh đạo giúp ta chấp nhận những gì không thể thay đổi được.
Linh đạo không phải là một thứ đồ vật cổ trong bảo tàng viện, thỉnh thoảng lấy ra ngắm, nhưng là ánh sáng soi đường, là động lực và sức mạnh, là gương mẫu. Nói khác, linh đạo phải thấm nhuần mọi góc cạnh của đời sống dâng hiến, từ sáng tới chiều, từ ngày này qua ngày khác. Linh đạo được thể hiện trong cách ta thi hành những việc đạo đức như cầu nguyện, bố thí, ăn chay, tha thứ, nhưng cả trong những việc nhỏ bé hằng ngày, chẳng hạn, ăn uống, nghỉ ngơi, chào khách, giao tế với mọi người... Joan Volski Conn nói: Linh đạo bao gồm mọi chiều kích của cuộc sống nhân loại.